Tin tức
Luật Thủ đô bảo đảm Thủ đô phát triển lâu dài, bền vững
(29/10/2012)

Dự án Luật Thủ đô cuối tuần qua được trình ra Quốc hội với nhiều điểm mới quan trọng. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trao đổi những thông tin liên quan.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời báo giới

- Thưa Bộ trưởng, với sự trở lại của Dự án Luật Thủ đô, dư luận đang mong chờ những quy định mang tính “đột phá”?

- Dự thảo Luật Thủ đô trình Quốc hội lần này có nhiều điểm khác so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội khóa XII, nhất là về tính quy phạm của các điều, khoản luật, có định hướng rõ ràng, cụ thể hơn với tinh thần cả nước chỉ có một Thủ đô và do đó "cả nước vì Thủ đô",  đồng thời cũng xác định rõ hơn trách nhiệm của Thủ đô đối với cả nước.

Về các quy định chung, dự thảo Luật lần này đã quy định rõ biểu tượng của Thủ đô chứ không như trước đây giao cho HĐND Thành phố quy định. Có quy định mới trong trách nhiệm của UBND thành phố Hà Nội, cụ thể khi Quốc hội, UBTVQH yêu cầu, UBND Thành phố phải trực tiếp báo cáo về việc thi hành Luật.

 

Còn về cơ chế chính sách đặc thù dành cho Thủ đô, dự thảo Luật đã bỏ bớt một số điều không rõ về chính sách pháp luật, các điều còn lại (14 điều) thì hầu như sửa lại toàn bộ khoản 1, bảo đảm chính sách pháp luật được rõ ràng hơn. Những vấn đề được lựa chọn để lại tại Chương II  (Chính sách xây dựng, phát triển và quản lý Thủ đô) như quy hoạch, quản lý quy hoạch, không gian kiến trúc, cảnh quan; phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường ..., đều để bảo đảm cho Thủ đô phát triển bền vững với tầm nhìn lâu dài.

 

Nhiều quy định về quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông vận tải... rất cụ thể, mang tính quy phạm chặt chẽ, ít phải hướng dẫn thi hành. Vì vậy Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã nêu là dự thảo Luật lần này có tính khả thi cao.

 

- Các cơ chế đặc thù theo dự thảo Luật là rất lý tưởng, nhưng nhiều ý kiến băn khoăn nguồn lực ở đâu để thực hiện, thưa Bộ trưởng?

 

- Có thể nói là từ hai nguồn chính. Thứ nhất là từ ngân sách. Dự thảo Luật cơ bản ghi nhận lại quy định hiện hành về chính sách, cơ chế tài chính đang dành cho Thủ đô. Khoản 1 Điều 21 của Dự thảo không có gì mới so với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Pháp lệnh Thủ đô hiện hành. Thứ hai và quan trọng nhất là dự thảo Luật đã mở ra cơ chế thu hút nguồn lực của xã hội, của người dân, của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào sự nghiệp phát triển Thủ đô.

 

- Hạn chế nhập cư vào nội thành là một trong những vấn đề được dư luận đặc biệt quan tâm, dự thảo Luật mới lần này có tiếp tục đặt ra các điều kiện chặt chẽ để nhập cư không, thưa Bộ trưởng?

 

- Về cơ bản, dự thảo Luật lần này không khác nhiều so với Dự thảo trình Quốc hội trước đây. Tất nhiên, Quản lý dân cư sao cho giảm lượng tăng dân số cơ học vào các quận nội đô là một trong những mục đích của quy định về quản lý dân cư trong dự thảo Luật. Theo số liệu của Công an TP.Hà Nội, từ khi thực hiện Luật Cư trú đến nay, lượng người nhập hộ khẩu thường trú vào các quận nội thành tăng cao hơn 3 lần. Tức là trước kia khoảng 15 ngàn người/năm, nay tăng lên 50 ngàn người/năm.

 

1 người nhập khẩu vào nội thành thì sau đó sẽ là cả 1 gia đình, thậm chí về lâu dài là đại gia đình. Đi theo với nó là yêu cầu về phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường xá nội đô, nhà ở... và cả những vấn đề về hạ tầng xã hội, trường học, bệnh viện phải mở thêm vì không thể ở nội đô mà đi học, khám bệnh ở ngoại ô…

 

Liên quan đến vấn đề này, tôi nghĩ chúng ta nên nhìn nhận từ hai phía. Giảm bớt mật độ dân cư vào nội thành trước hết là giảm áp lực cho nội thành, đồng thời cũng tạo điều kiện để Thủ đô phát triển cân đối hơn, toàn diện hơn, nhất là trong mối quan hệ với ngoại thành.

 

Tất nhiên, hạn chế nhập cư không phải biện pháp tối ưu nhưng là biện pháp quản lý dân cư phát triển bảo đảm theo quy hoạch. Quy hoạch chung của Thủ đô đã được Quốc hội cho ý kiến, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt theo hướng giảm dần dân số ở các quận nội đô, nhất là các quận nội đô cũ, nơi đặt trụ sở các cơ quan Đảng, Nhà nước, cơ quan ngoại giao, nơi diễn ra những sự kiện lớn, quan trọng của đất nước. Nếu dân số cứ tăng 3 lần như vậy thì rất khó khăn để có một bộ mặt Thủ đô văn minh, trật tự.

 

- Nhưng cũng có ý kiến Đại biểu Quốc hội e ngại các cơ chế đặc thù cho Thủ đô sẽ không phù hợp với Hiến pháp, nhất là trong vấn đề về quyền cư trú?

 

- Tôi khẳng định dự thảo Luật không có điều khoản nào vi hiến. Không phải đến kỳ họp này mà từ Dự thảo trình Quốc hội khóa XII, UBTVQH cũng đã báo cáo rõ với Quốc hội là phù hợp với Hiến pháp năm 1992.

 

Còn về quyền cư trú, Hiến pháp quy định về quyền này nhưng cũng chỉ rõ “theo quy định của pháp luật”. Luật Thủ đô cũng là một đạo luật. Mà theo Luật Cư trú, muốn đăng ký hộ khẩu thường trú tại 5 thành phố trực thuộc TW cũng phải tuân theo những quy định riêng rồi.

 

Dự thảo Luật Thủ đô lần này đưa ra hai phương án. Phương án 1 không có gì thay đổi so với Dự thảo cũ, theo đó các đối tượng là người thân về ở với nhau, kể cả người giám hộ; người được điều động tuyển dụng vào các cơ quan tổ chức, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn; người trước đây đã đăng ký thường trú ở nội thành, nay quay trở về sẽ không bị hạn chế nào về đăng ký thường trú tại các quận nội thành so với quy định hiện hành của Luật Cư trú. Chỉ có 1 đối tượng là những người không thuộc 3 đối tượng nêu trên thì dự thảo Luật mới quy định thêm một số điều kiện ngặt nghèo hơn.

 

- Như vậy, các đối tượng được nhập cư có “nới lỏng” hơn so với dự thảo Luật đã trình trước đây?

 

- Không hoàn toàn như vậy. So với dự thảo Luật trước thì phương án 2 có chặt hơn một chút; phương án 1 không có gì mới, chỉ khác ở chỗ Dự thảo lần này liệt kê cụ thể các trường hợp đăng ký thường trú, như cách liệt kê của Luật Cư trú hiện hành. Thay vì trước đây, viện dẫn đến Điều 20 của Luật Cư trú thì bây giờ quy định thẳng vào dự thảo Luật để tránh sự hiểu lầm không cần thiết.

 

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng

Việc đăng ký thường trú ở nội thành được thực hiện theo quy định sau đây:

 

a) Công dân thuộc các trường hợp vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con; người hết tuổi lao động, nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ thôi việc chuyển về ở với anh, chị, em ruột; người tàn tật, mất khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc còn cha, mẹ nhưng cha, mẹ không có khả năng nuôi dưỡng về ở với ông, bà nội, ngoại, anh, chị, em ruột, cô, dì, chú, bác, cậu ruột, người giám hộ; người thành niên độc thân về sống với ông, bà nội, ngoại; người được điều động, tuyển dụng đến làm việc tại cơ quan, tổ chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc theo chế độ hợp đồng không xác định thời hạn và có chỗ ở hợp pháp ở nội thành; người trước đây đã đăng ký thường trú ở nội thành, nay trở về sinh sống tại chỗ ở hợp pháp của mình, được đăng ký theo quy định của pháp luật về cư trú.

 

b) Công dân không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a khoản này thì được đăng ký thường trú ở nội thành, nếu có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ đủ 03 năm trở lên; nơi đề nghị đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú

 

Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Pháp luật cho rằng “việc quy định điều kiện đăng ký nhập hộ khẩu vào nội thành Hà Nội chặt chẽ hơn đối với một số đối tượng tuy chưa phải là giải pháp tối ưu để quản lý dân cư nhưng cũng là một trong những giải pháp cần thiết kết hợp với các giải pháp khác nhằm giãn bớt số lượng dân cư thường trú trong nội thành. Do đó, nhiều ý kiến thành viên Ủy ban pháp luật tán thành với Phương án 1 (nêu trên) mà Chính phủ đã trình.

 

Thu Hằng – Bảo Vân (thực hiện)

Các tin khác

©2010 Copyright by Luatsutoanco . All rights reserved.
Phòng 105, 17/19 Lê Thánh Tôn, P. Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. ĐT: (08) 7300 8787 - 7300 8788 - Fax: (08) 7300 8787
SĐKKD: 41.01.1254/TP/ĐKHĐ. Người đại diện: Luật Sư Kiều Đại Bằng
Thiết kế website - Thiết kế web bởi Univinet